Năm 1812, ấn bản đầu tiên của tập truyện “Kinder-und Hausmärchen” (Chuyện kể cho trẻ em và trong gia đình) ra đời tại Berlin, và lập tức gây được tiếng vang trong cộng đồng những nhà nghiên cứu ở Đức. Nhưng hẳn không một học giả nào tại thời điểm đó, hay thậm chí là những tác giả của tập truyện, có thể hình dung được giá trị và sức ảnh hưởng mà tập truyện mang lại trên toàn cầu, trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử nhân loại.
Đến tận ngày nay, hơn 200 năm sau ngày phát hành ấn bản đầu tiên, tập truyện vẫn được dịch và tái bản thường xuyên ở hàng trăm quốc gia, tiếp tục nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ, tưới tắm cho trí tưởng tượng thông qua các câu chuyện kỳ ảo, được gọi chung với cái tên quen thuộc: “Truyện cổ Grimm”.
215 truyện này đến được đầy đủ với độc giả nhờ sự chuyển ngữ của ba dịch giả khác nhau, gồm dịch giả Hữu Ngọc – các bản dịch truyện Grimm của ông được tái bản thường xuyên trong suốt 50 năm qua; dịch giả Lương Văn Hồng – người dịch và biên soạn nhiều bộ sách tiếng Đức; dịch giả Ngụy Hữu Tâm – người từng học tập và làm việc lâu năm tại Đức. Ngoài việc tổng hợp đầy đủ các truyện, những người làm sách còn tiến hành đối chiếu với bản dịch tiếng Anh của Dan L. Ashliman và Margaret Hunt để biên tập, thêm những phần bị thiếu, hiệu chỉnh tên riêng cho thống nhất với nguyên bản.
Về hình thức, chúng tôi sử dụng bộ minh họa “Truyện cổ Grimm” đầy đủ đầu tiên của hai họa sĩ Philipp Grot Johann và Robert Leinweber xuất bản đầu thế kỷ XX tại Đức. Đây cũng là lần đầu bản minh họa của hai họa sĩ tài năng này được giới thiệu đến độc giả Việt Nam, với hầu hết các truyện đều có hình ảnh, giúp người đọc dễ hình dung hơn bối cảnh, nhân vật, trang phục và các vật dụng được miêu tả trong câu chuyện.